Đó là thực tế không thể chối cãi, nhưng không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng có rất nhiều nhà lãnh đạo vẫn thờ ơ với sự thật là nếu người nhân viên biết hiệu quả công việc của mình được công nhận, sẽ ít có khả năng họ muốn thôi việc.
David Fagiano, giám đốc điều hành Tổ chức huấn luyện toàn cầu Dale Carnegie & Associates, đã có mặt ở Ai-len vào tuần trước để thảo luận về “sự gắn kết đội ngũ nhân viên” với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Công ty được thành lập bởi Dale Carnegie, tác giả của quyển sách Đắc Nhân Tâm.
Fagiano lập luận rằng cảm giác được gắn kết với công ty quan trọng hơn mức tăng lương bổng hàng tháng nhằm giữ chân nhân viên.
Một khảo sát của chuyên gia tư vấn tuyển dụng nhân sự - Robert Walters, cho thấy rằng nguyên nhân chính khiến nhiều người ở Ai-len tìm kiếm một công việc mới là vì thiếu sự khen ngợi ở công ty mà họ đang làm (50%) và để tìm sự thăng tiến cao hơn trong công việc (24%). Chỉ 14% trong toàn số người được khảo sát cho biết rằng họ thôi việc vì chưa hài lòng về mức lương.
Đó là một thống kê khá điển hình trong một nền kinh tế trưởng thành. Còn trong nền kinh tế với mức tăng trưởng siêu như Trung Quốc, nơi mà người lao động được giao việc với mức lương tăng lên đều đặn mỗi vài tuần, thì đây lại là một câu chuyện khác – Ông Fagiano trả lời phóng viên báo The Sunday Business Post.
Ông cho biết có ba dạng người lao động – gắn kết, không gắn kết và chủ động không gắn kết. Người lao động không gắn kết làm đủ thời lượng công việc đòi hỏi và về nhà, tuyệt đối không có một sự liên hệ nào với nơi làm việc. Người chủ động không gắn kết thì có vẻ nguy hiểm hơn khi luôn gieo rắc sự tiêu cực, phá hỏng công việc của người khác và thể hiện sự hoài nghi và lòng thù địch ở sở làm.
“Nếu trong doanh nghiệp của bạn tồn tại cả hai dạng nhân viên như vậy, thì có thể bạn sẽ phải chịu một tổn thất lớn”. Ông Fagiano còn thêm rằng nước Mỹ đã chịu thiệt hại khoảng 350 tỉ USD mỗi năm vì thiếu sự gắn kết đội ngũ nhân viên ở các doanh nghiệp, tổ chức. Nói cách khác, những nhân viên gắn kết với tổ chức, doanh nghiệp đều tin rằng họ có tác động tích cực, và cảm thấy nơi làm việc của họ mang lại sự hăng hái, hứng thú không chỉ bằng lương bổng.
Các công ty ở Ai-len có thể tiết kiệm hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đồng euro thông qua việc tạo dựng sự gắn kết để giữ chân nhân viên và tối đa hóa sản lượng của họ. Nếu không có sợi dây gắn liền họ với nơi làm việc, người nhân viên sẽ cảm thấy xa lạ và thường có xu hướng tìm kiếm đồng cỏ xanh ở nơi khác.
”Các số liệu thống kê là những minh chứng tuyệt vời. Ví dụ, trong số những nhân viên gắn kết với công việc có 87% ít có khả năng muốn thôi việc, và đội ngũ bán hàng có sự gắn kết với doanh nghiệp tạo ra huê hồng nhiều hơn 28% so với các nhân viên viên không gắn kết. Lãnh đạo doanh nghiệp công nhận rằng nhân viên muốn lương tăng nhiều hơn và người lãnh đạo cần xây dựng được hình ảnh gắn kết cho doanh nghiệp nếu họ muốn giữ lại những nhân viên tài năng. ”
Ông cho biết thái độ của nhân viên chịu ảnh hưởng đáng kể bởi những gì ông chủ của họ nói hoặc làm. Nếu các nhà quản lý khen ngợi nhân viên và thực hiện các bước để khen thưởng cho thành tích của họ thì các nhân viên sẽ cảm thấy nỗ lực của họ là xứng đáng.
”Nhưng nếu khoảng cách giữa người nhân viên và nhà quản lý quá xa, hoặc ít khi các nhà quản lý ghé qua văn phòng của họ hoặc có mặt ở các cuộc họp, và chỉ thỉnh thoảng lên tiếng khi có tiêu cực ở nơi làm việc, thì hành vi của nhà quản lý đang vô tình tạo ra một môi trường làm việc tệ hại hơn là một nơi làm việc đầy tính gắn kết. ”
Làm cách nào để cải thiện sự gắn kết đội ngũ nhân viên:
- Tạo một văn hóa hợp tác và thúc đẩy sự gắn kết nơi làm việc.
- Đo lường mức gắn kết đội ngũ nhân viên theo định kỳ.
- Phát triển những kế hoạch hành động với cả tổ chức, từng phòng ban và từng cá nhân để tìm ra những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự không gắn kết ở nhân viên.
- Phân công người chịu trách nhiệm theo dõi tiến trình xây dựng sự gắn kết.
- Khen thưởng những nhân viên thể hiện sự tiến bộ trong việc xây dựng tính gắn kết đội ngũ nhân viên.
Những nhà lãnh đạo đi đúng hướng là người :
- Luôn tập trung vào việc công nhận thế mạnh của từng cá nhân.
- Có sự khen ngợi đối với những thành tựu thay vì có lòng ganh tị và muốn tranh công.
- Phát triển nguồn nhân lực có sự gắn kết, cũng như sự hiểu biết và kỹ năng của họ.
- Khích lệ nhân viên khi họ có biểu hiện không hài lòng hay thất vọng với công việc.
- Tìm kiếm ý tưởng của nhân viên dành cho doanh nghiệp.
- Gắn kết toàn bộ nhân viên trong việc thiết lập mục tiêu.
Không nên giả định rằng:
- Xây dựng sự gắn kết ở đội ngũ nhân viên là nhiệm vụ của phòng Nhân sự và không cần có vai trò tham gia quản lý của các nhà quản lý.
- Chỉ mỗi việc tăng lương sẽ đồng thời tăng cả sự gắn kết.
- Đạo đức làm việc của nhân viên là mấu chốt, nếu thiếu điều này, sẽ dẫn đến thiếu tính gắn kết ở người nhân viên. Nói rõ hơn là nguyên nhân xuất phát từ người nhân viên hơn là trách nhiệm nhà quản lý phải cải thiện sự gắn kết đội ngũ nhân viên.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét