Dù cho mục đích của bạn là để trình bày ý tưởng với sếp, giới thiệu sản phẩm và dịch vụ mới cho khách hàng, hay quảng bá hình ảnh của mình trước các nhà tuyển dụng thì kỹ năng thuyết trình có một ảnh hưởng vô cùng lớn đến kết quả.
Không phải ai cũng thường xuyên được có cơ hội thực hành việc nói trước đám đông, nhưng với một sự chuẩn bị kỹ càng và hệ thống, bạn có thể làm nên sự khác biệt.
Ông Peter Handal, Giám đốc điều hành của Dale Carnegie & Associates, quản lý nhân sự và đồng thời cũng là quản lý tổ chức tư vấn, am hiểu sâu về việc nắm vững kỹ năng thuyết trình, cho biết: “Dù bạn muốn thuyết phục đối tác, chào hàng với khách hay truyền nhiệt cho nhóm làm việc của mình, bạn cần phải biết được rằng sức mạnh của bài thuyết trình mà bạn mang lại sẽ tạo ra ranh giới giữa thành công và thất bại”.
Hơn thế nữa, ông Peter Handal còn chia sẻ nhiều lời khuyên hữu ích về việc làm thế nào để có một bài thuyết trình hiệu quả:
- Hiểu rõ người nghe:
Tìm hiểu về đối tượng mà bạn sắp truyền đạt bài thuyết trình và đề tài của bài nói có liên hệ như thế nào đến họ. Tự đặt câu hỏi xem mục đích của bài thuyết trình là gì và kết quả bạn muốn có được sau đó.
Từ đó, điều chỉnh từ ngữ và giọng văn phù hợp với đối tượng người nghe, dù cho họ là cả một đám đông hay chỉ một vài người đồng nghiệp. Hiểu được ai là người lắng nghe cuộc nói chuyện của mình, bạn sẽ biết được phải thiết kế thông điệp cần truyền tải một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
- Có phần mở đầu, nội dung chính và kết luận:
Tất cả những bài thuyết trình đều cần có cấu trúc rõ ràng. Ông Handal đưa ra gợi ý chia bài thuyết trình thành ba phần: mở đầu, phần nội dung chính của bài và kết luận.
Để mở đầu cho đề tài, chúng ta có thể dùng cách đặt câu hỏi, gây bất ngờ cho người nghe bằng câu trả lời ít ai nghĩ đến hoặc liên hệ đến những tình tiết phù hợp để khơi gợi sự hứng thú của người nghe với đề tài sắp trình bày.
Riêng phần nội dung chính cần có từ bốn đến sáu ý chính mà bạn có thể thêm thắt vào những số liệu thống kê, những câu chuyện ngắn hoặc nhiều ví dụ tương tự.
Cuối cùng, kết luận bằng cách nhấn mạnh thông điệp bạn muốn truyền tải.Có thể kết luận mang hướng “mở ” hoặc liên hệ ngược lại với phần mở đầu.
Tuy nhiên, phải đảm bảo rằng người nghe hiểu rõ các ý bạn đã trình bày và nắm được thông điệp mà bạn muốn truyền tải.
- Luyện tập nhiều lần:
Trước khi bắt đầu bài thuyết trình thật sự, bạn cần phải luyện tập nói nhiều lần, nhờ bạn bè hoặc người thân làm khán giả và xin ý kiến đóng góp của họ.
Chỉ đến khi hiểu sâu và cảm thấy thoải mái với nội dung sắp trình bày, bạn mới có thể xây dựng được sự tự tin và niềm yêu thích ở đề tài đó.
Ngoài ra, có một cách cực kỳ hữu ích để cải thiện kỹ năng thuyết trình. Chuẩn bị dụng cụ ghi hình mỗi khi bạn thực hành nói. Xem lại hình ảnh vừa quay sẽ cho bạn biết cần loại bỏ những thói quen không cần thiết nào khi nói hoặc những sự diễn đạt có thể gây mất tập trung ở nội dung của bài thuyết trình.
Hãy luôn nhớ rằng cách tốt nhất để loại bỏ sự lo lắng, bồn chồn trước mỗi lúc thuyết trình là thái độ tự tin chỉ có được sau khi luyện tập và hiểu sâu về đề tài đang nói.
- Trước giờ G:
Phải đảm bảo bạn gây được ấn tượng tốt lúc đầu với người nghe bằng cách thư giãn và chứng tỏ khả năng làm chủ dề tài mình trình bày. Đừng bao giờ quên giao tiếp bằng mắt với những người đang ngồi bên dưới. Hãy nói bằng giọng thật tự nhiên và nói chậm khi cần nhấn mạnh những ý chính.
Ông Handal cũng thêm rằng, sử dụng những câu chuyện dí dỏm để thu hút sự tập trung của người nghe sẽ khiến họ thích thú và chăm chú lắng nghe hơn những gì bạn sắp nói.
Luôn đến sớm để gặp gỡ và nói chuyện với vài người trong nhóm đối tượng nghe cũng là một bí quyết giúp bạn xua tan cảm giác hồi hộp, lo lắng trước bài thuyết trình.
Một điều quan trọng là hãy cố gắng điều chỉnh độ dài của bài thuyết trình tối đa là 25 phút. Nếu bài thuyết trình quá dài và bạn cần thời gian để nói nhiều hơn thì hãy chia thành từng phần và có một vài phút giải lao sau 18 phút liên tục.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét