Khi đi phỏng vấn, nói sự thật là chưa đủ, mà bạn còn cần biết cách NÓI SỰ THẬT MỘT CÁCH KHÉO LÉO. Chính vì thế mà bạn cần đọc bài viết này.
1. Hãy giới thiệu về bản thân bạn
Đây là câu hỏi phổ biến nhất để bắt đầu 1 cuộc phỏng vấn nhưng phạm vi dường như quá rộng khiến bạn không biết bắt đầu từ đâu. Bạn không cần kể hết tiểu sử của mình mà tập trung vào những điểm tích cực, những kinh nghiệm phù hợp với các nhiệm vụ chính của công việc mà bạn đang ứng tuyển. Ví dụ như “Tôi thuộc tuýp người hòa đồng – tôi thích làm việc với mọi người và trở thành thành viên của nhóm. Tôi luôn hăng hái với các dự án và thích nhìn thấy một dự án thành công từ khâu lập kế hoạch ban đầu đến giai đoạn cuối cùng”. Theo kinh nghiệm của mình, bạn nên trình bày trong khoảng 1-2 phút.
2. Bạn nghĩ mình có những năng lực gì để đảm đương công việc này?
Bạn cần gắn kết những kinh nghiệm hoặc kỹ năng của bạn với yêu cầu công việc. Vì vậy, hãy nêu 2 - 3 điểm mạnh nhất của bạn có liên quan đến công việc đang ứng tuyển. Ví dụ: “Tôi rất giàu kinh nghiệm giao tiếp với khách hàng, thậm chí với cả những khách hàng rất khó tính. Tôi rất dễ hòa đồng với người khác nên làm việc nhóm rất tốt. Tôi vốn là người ngăn nắp nên có thể dễ dàng đảm nhiệm những công việc giấy tờ và phù hợp với bất kỳ hệ thống nào. Theo tôi hiểu, đây là những kỹ năng quan trọng đối với công việc này”.
3. Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
Gần như mọi nhà tuyển dụng đều hỏi câu hỏi này vì họ muốn biết mức độ nghiêm túc của bạn khi ứng tuyển vào công ty và bạn có thực sự chuẩn bị cho buổi phỏng vấn hay không. Hãy bám vào những đặc điểm liên quan đến công việc như quy mô, doanh thu, lĩnh vực, sản phẩm kinh doanh, sự phát triển và đặc điểm công ty. Nếu bạn có người quen trong công ty thì bạn nên hỏi họ để có thêm thông tin chuẩn xác nhất thay vì chỉ trả lời bằng những thông tin bề nổi mà bạn tìm thấy trên Internet.
4. Bạn hình dung công việc này như thế nào?
Để trả lời câu hỏi này, hãy bám vào bản mô tả công việc. Bạn hãy phân tích cả cơ hội cũng như khó khăn thách thức của công việc vì hiển nhiên là không có công việc nào toàn thuận lợi cả và nhà tuyển dụng cũng sẽ không thích khi bạn nhìn công việc một cách quá đơn giản và toàn màu hồng. Tuy nhiên, hãy tận dụng cơ hội này để khẳng định một lần nữa rằng bạn sẵn sàng đối mặt và có khả năng vượt qua những thách thức đó.
5. Động cơ thúc đẩy bạn là gì?
Hãy luôn nhớ đưa ra câu trả lời phù hợp với những nhiệm vụ chính của công việc. Vì vậy, không nên trả lời: “Đó là tiền lương” mà hãy nói “Em rất thích lĩnh vực kinh doanh này và mong muốn được học hỏi sâu hơn qua công việc và qua những anh chị đi trước” hoặc“ Tôi rất vui khi được quản lý một nhóm đoàn kết và tôi tin rằng mình sẽ quản lý thành công”
6. Bạn hy vọng sẽ làm việc ở công ty bao lâu?
Nhà tuyển dụng không muốn tuyển dụng một người sẽ từ bỏ công ty khi đã khai thác hết giá trị của nó. Vì vậy, hãy thể hiện rằng bạn muốn làm việc ở công ty trong thời gian dài. “Tôi muốn làm việc, trưởng thành và phát triển tại đây. Tôi sẽ làm việc trong một thời gian dài, không ngừng nỗ lực và có những đóng góp nhất định cho công ty”
7. Kế hoạch nghề nghiệp của bạn trong 3-5 năm nữa là gì?
Trông có vẻ khác nhau hoàn toàn, nhưng câu hỏi này cũng giống như câu số 5. Chỉ có điều với câu hỏi này, bạn sẽ sẵn sàng bày tỏ hơn. Dù thế nào thì nhà tuyển dụng vẫn luôn muốn tìm kiếm một nhân viên sẽ gắn bó với công ty một thời gian đủ dài để họ không uổng công đào tạo và có được đội ngũ nhân sự tương đối ổn định. Vì vậy, bạn cũng nên thể hiện sẽ làm việc lâu dài ở công ty.
8. Vì sao bạn chuyển việc?
Nếu lý do thật sự khiến bạn bỏ việc là bạn không thể làm việc với ông chủ hiện tại hoặc mức lương quá thấp thì cũng không nên nói ra điều đó. Thay vào đó, hãy nói rằng: “Vì tôi muốn trau dồi thêm kinh nghiệm và tôi nghĩ mình có thể thực hiện được điều đó tốt hơn ở công ty mới” hoặc “Tôi thích giao tiếp với mọi người và tôi có năng khiếu giao tiếp. Nhưng không may, chỗ làm hiện tại của tôi không có nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng này.
9. Thách thức lớn nhất trong công việc mà bạn đang phải đối mặt là gì?
Đây là câu hỏi rất thú vị. Bạn cần chuẩn bị câu trả lời cho câu hỏi này để có được kết quả tốt nhất. Bạn không nên chỉ liệt kê thách thức mà hãy kể lại cả quá trình bạn đương đầu với chúng như thế nào. Do đó, bạn phải đưa ra ví dụ minh họa.
Cũng có một số ẩn ý đằng sau câu hỏi này: nhà tuyển dụng muốn biết bạn coi điều gì là thách thức. Vì vậy, hãy suy nghĩ kỹ về ví dụ mà bạn định đưa ra. Đó là một quyết định khó khăn? Một tình huống khó khăn? Hay một hệ thống cần nâng cấp để nâng cao năng suất? Như thường lệ, bạn cần lựa chọn kỹ lưỡng một điều gì đó liên quan đến công việc mà bạn đang ứng tuyển.
Hãy ghi nhớ: đưa ra ví dụ về những rắc rối với đồng nghiệp là rất nguy hiểm. Nó có thể tạo ấn tượng rằng bạn coi việc hòa thuận với người khác là một thách thức lớn.
10. Ông chủ của bạn là người thế nào?
Không bao giờ được chỉ trích bất kỳ ông chủ nào. Nhà tuyển dụng có thể trở thành ông chủ tương lai của bạn và ông ấy muốn bạn trung thành với các ông chủ khác ngay cả khi bạn ở sau lưng họ. Hãy luôn nói tốt về họ bất kể họ là người như thế nào. Chỉ nên trả lời kiểu như “Tôi may mắn có một ông chủ rất tốt”
11. Tại sao bạn muốn có công việc này?
Với kiểu câu hỏi này, bạn không nên nói dông dài về các thách thức cũng như viễn cảnh. Hãy nói về nhữnglợi ích và nêu ra cụ thể loại thách thức nào mà bạn thấy hứng thú.
Đây cũng là cơ hội tốt để thể hiện bạn đã tìm hiểu kỹ về công ty, bạn nên nói ngắn gọn và chỉ nói những gì có liên quan. Ví dụ: “Tôi nhận thấy các công ty đang phát triển có một môi trường năng động, sôi nổi và tôi biết trong bốn năm gần đây, tăng trưởng bình quân của công ty các anh là 6%”
Những hướng dẫn trên đây chưa thể là câu trả lời hoàn chỉnh cho những câu hỏi phỏng vấn, bạn hãy tìm cách diễn đạt phù hợp nhất với mình và đưa ra những ví dụ của chính bạn.
** Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, hãy share với bạn bè mình hoặc like, comment bên dưới nhé.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét