Có khi nào bạn cảm thấy bế tắc và không thể hành động? Tôi đã từng như thế. Để đạt được những điều mong muốn trong cuộc sống, bạn không thể cứ ngồi đó mà chờ nó diễn ra. Cũng như thế, bạn đừng cầu mong ai đó sẽ giúp đỡ bạn.
Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ cùng bạn 4 thói quen đơn giản nhưng tỏ ra hiệu quả khi tôi cảm thấy bế tắc trong hành động. Chúng đã biến tôi, từ một gã lười biếng, suốt ngày nằm ghế sofa xem TV, trở thành một con người hành động tập trung và hiệu quả.
Khởi đầu ngày mới một cách đúng đắn
Cách tôi bắt đầu một ngày có thể chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc tôi sẽ hành động ra sao trong suốt này đó. Nó cũng sẽ định hình về một ngày của tôi trở nên như thế nào. Một khởi đầu tốt thường sẽ dẫn tới một ngày hiệu quả. Ngược lại, một khởi đầu do dự và tồi tệ sẽ đưa tới một ngày làm việc chẳng ra sao.
Vì thế, hãy tạo ra cho bạn một thói quen vào buổi sáng với bữa điểm tâm, một bài tập thể dục ngắn hay ngồi thiền. Hoặc bạn cũng có thể chọn cho mình cách khởi động ngày mới theo kiểu khác phù hợp với bản thân.
Kế đó, bạn hãy bắt tay vào thực hiện công việc quan trọng nhất trong ngày sau khi kết thúc những “màn khởi động” buổi sáng. Có vẻ như khi bạn bắt đầu với một nhiệm vụ tương đối quan trọng vào đầu ngày, bạn sẽ thuận lợi hơn trong việc có được một ngày làm việc hiệu quả.
Đôi khi, có những buổi sáng tôi thấy mình thật uể oải, chẳng muốn làm gì và luôn chần chừ khi hành động. Vậy là tôi bắt đầu bằng những việc nho nhỏ thay vì những việc quan trọng nhất.
Có thể tôi sẽ chọn cách sắp xếp đồ đạc hoặc dọn dẹp phòng một chút. Tôi đặt ra hạn mức cho mình là 5 phút để hoàn thành một việc tương đối dễ. Nhưng khi thấy thời gian đó quá nhiều, tôi lại hạ xuống mức chỉ còn 2 phút để làm thôi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tôi đã có thể khởi động và tiếp tục công việc. Nếu làm được thế, tôi sẽ duy trì tinh thần làm việc và cứ thế tiếp tục với các việc khác.
Chia công việc thành nhiều bước nhỏ
Công việc có thể trở nên quá tải với bạn và nhồi vào đầu óc bạn một loạt những cảm giác tiêu cực khi nghĩ về một dự án hay một nhiệm vụ lớn. Phản ứng thường thấy trong việc này là bạn muốn chối bỏ. Bạn sẽ trì hoãn. Nhưng rồi bạn sẽ bị căng thẳng khi ngày đáo hạn cho công việc đã cận kề mà bạn chỉ có thể dành càng ngày càng ít thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ vì cứ liên tục trì hoãn.
Giải pháp hữu hiệu ở đây là bạn nên hình thành thói quen chia một việc lớn thành những bước nhỏ để có thể hoàn thành nhanh chóng, dễ dàng ngay trong ngày. Điều đó tất nhiên cũng sẽ giúp bạn thoát được cảm giác bị chết ngập trong công việc.
Vì thế, hãy chia nhỏ nhiệm vụ tành từng bước thực tế, cụ thể. Chẳng hạn, nếu bạn cần đọc một cuốn sách, hãy chia việc đó thành các lần đọc, mỗi lần 30 phút. Sau khi đã đọc xong 30 phút rồi, bạn có thể đánh dấu vào danh sách những việc cần làm của mình là đã hoàn thành nhiệm vụ đó.
Theo kinh nghiệm của tôi, cảm giác đã hoàn thành nhiệm vụ vào cuối ngày rất quan trọng. Hãy đừng để công việc còn “treo” ở đó mãi ám ảnh bạn cho tới khi về nhà, trong suốt buổi tối và cả khi đi ngủ. Tâm trí bạn luôn muốn biết một việc nào đó đã được hoàn thành, ngay cả khi nó chỉ là một bước rất nhỏ như đọc sách được 30 phút. Chỉ khi đó, đầu óc bạn mới thực sự thoải mái và không còn căng thẳng mệt mỏi nữa.
Hãy chia công việc thành những phần nhỏ. Hãy quan sát và tập trung chỉ vào từng phần nhỏ riêng rẽ đó cho tới khi nó hoàn thành. Sau đó, mới chuyển sang bước tiếp theo và cũng lại chỉ tập trung vào nó. Hãy làm như thế và bạn sẽ giảm bớt được tâm sức vì phải lo lắng quá nhiều cho công việc của mình.
Tưởng thưởng những gì bạn đã làm được trong ngày
Đây là việc tôi vẫn đang làm và sẽ còn tiếp tục phải làm nữa, nhưng nó đã tạo ra sự khác biệt đáng kể khi tôi thực hiện điều đó. Bạn phải đánh giá cao những việc đã làm rất tốt của mình để cảm thấy hài lòng hơn về cuộc sống cũng như bản thân mình.
Hãy dành khoảng hai phút mỗi ngày để nghĩ về những gì bạn thấy thỏa mãn trong số các điều đã làm được hôm đó. Hoặc bạn có thể viết ra một vài điều được coi là thành công với bạn trong cuốn sổ riêng. Hãy tận hưởng sự tưởng thưởng thú vị hoặc ăn mừng theo cách lớn hơn. Hãy nói với ai đó về một điều thật tuyệt, hoặc bạn đã rất tự hào về một điều quan trọng đã làm được trong ngày.
Hãy tưởng thưởng cho chính mình về những việc đã làm tốt trong ngày, việc này sẽ củng cố thêm lòng tin trong việc duy trì thói quen hành động của bạn. Và hãy nhớ là nên bao dung với chính mình trong những trường hợp bạn quên hay không hoàn thành một nhiệm vụ. Chẳng có ích gì nếu bạn cứ dằn vặt hay trừng phạt mình. Việc quá cầu toàn cũng không đem lại hiệu quả. Hãy đúc rút kinh nghiệm từ những sai sót đó và có lẽ, bạn nên áp dụng một phương thức mới trong ngày tiếp theo để xem nó có hiệu quả hơn chăng.
Chọn một việc nhỏ để hành động ngay lúc này
Có việc gì đó đáng lý bạn có thể làm ngay nhưng lại vẫn ách lại trong danh sách những việc “bạn sẽ làm khi bạn có thời gian” trong suốt một thời gian dài không? Bạn đọc được điều gì đó và cảm thấy rất phấn kích với nó. Nhưng rồi bạn chẳng làm gì cả và tự nhủ rằng ngày mai bạn sẽ làm việc đó.
Hãy đừng như thế nữa. Bạn hãy thực hiện ngay hôm nay một hành động nhỏ, ngay sau khi bạn đọc được bất cứ điều gì gây cảm hứng hành động cho bạn. Chẳng hạn, hãy gọi điện cho một người bạn và sắp xếp để gặp nhau vào tối chủ nhật này lúc 7 giờ để tập thể dục, luyện yoga hoặc ăn tối ở một nhà hàng mới khai trương chẳng hạn.
Nếu có bài tập thể dục nào bạn có thể làm ngay thì hãy thực hiện luôn đi. Nếu cảm thấy nó có vẻ hơi mệt mỏi với bạn thì hãy chỉ dành 5 phút mỗi ngày để tập nó thôi.
Hay nữa, nếu bạn muốn đi du lịch đâu đó, hãy đừng chỉ ngồi đó mơ ước viển vông. Hãy dành vài phút để tham khảo giá cả tour du lịch này trên mạng, sau đó cân đối với túi tiền của mình để biết, bạn sẽ còn phải tiết kiệm hay kiếm thêm bao nhiêu nữa để có thể tham gia chuyến du lịch đó.
Đó là công việc của ngay hôm nay đó, bạn hãy bắt tay vào ngay đi thôi nhé!
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét